Tháng Tám 6, 2018

Cách Chống Thấm Nhà Vệ Sinh - Quy trình & Vật Liệu

Chống thấm nhà vệ sinh là một vấn đề được nhiều chủ nhà quan tâm. Vì một khi hiện tượng thấm đã phát sinh trong khi đang sử dụng công trình thì rất phiền phức. Các nguyên nhân gây ra hiện tượng thấm trong nhà vệ sinh có thể kể đến: thấm do các khuyết tật trong sàn bê tông, thấm chân tường, thấm do rò rỉ các ống nước. Qua bài viết này, bạn sẽ thấy chống thấm cho nhà vệ sinh đúng ngay từ đầu thì cũng không quá phức tạp.

Chống thấm nhà vệ sinh
Chống thấm nhà vệ sinh

2 kiểu sàn nhà vệ sinh

Có hai kiểu đổ sàn bê tông và lắp đặt hệ thống ống nước trong nhà vệ sinh. Đó là:

  1. Sàn nhà vệ sinh được đúc thấp hơn sàn nhà bên ngoài. Sau đó lắp đặt các đường ống theo thiết kế. Tiếp theo lấp các đường ống bằng vữa xi măng, cuối cùng là ốp lát lên trên.
  2. Sàn nhà vệ sinh được đổ cùng cao độ với sàn bên ngoài. Các lỗ chờ được đặt trước khi đổ bê tông. Các đường ống cấp thoát nước được đặt dưới đáy sàn, có thể nhìn thấy từ tầng dưới. Sau này sẽ đóng trần để che lại. Lợi ích của kiểu sàn vệ sinh này là bảo trì dễ dàng. Bất kỳ lúc nào đường ống bị rò rỉ thì có thể mở trần giả để sửa chữa.

2 cách chống thấm nhà vệ sinh

Phương pháp chống thấm cũ là phủ lên sàn nhà vệ sinh bằng một lớp vữa xi măng đã trộn với phụ gia chống thấm. Phương pháp hiện đại hơn là sử dụng màng chống thấm.

Nhìn chung có hai loại màng chống thấm:

  • Màng chống thấm dạng lỏng
  • Màng chống thấm dạng tấm

Dưới đây sẽ bàn về kỹ thuật sử dụng màng chất lỏng.

Các dụng cụ và vật liệu chống thấm nhà vệ sinh

Màng chống thấm, sơn lót, băng keo và silicon,

Bàn chải sắt, cọ, con lăn, khay con lăn, súng bắn silicon.

Quy trình chống thấm nhà vệ sinh

Chuẩn bị bề mặt

Bề mặt phải được làm sạch: không có bụi, không có chất gây ô nhiễm.

Loại bỏ các thành phần lỏng lẻo.

Các bức tường nhà vệ sinh nên được chải để loại bỏ các thành phần gồ ghề.

Sơn lót bề mặt nhà sàn, tường nhà vệ sinh

Sơn lót được thực hiện bằng chổi, cọ hay bằng con lăn. Sơn lót toàn bộ bề mặt sàn nhà vệ sinh và một phần tường nhà vệ sinh.

Bít các góc & mối nối

Khi lớp sơn lót khô đi, thì dùng băng dính và silicon để thực hiện công đoạn tiếp theo. Băng dính được dán lên bốn bức tường theo chiều cao mong muốn. Điều này để đảm bào rằng chống thấm chỉ thực hiện đến chiều cao này.

Bít các góc, mối nối, ống chờ
Bít các góc, mối nối, ống chờ

Đôi khi có công trình yêu cầu chống thấm toàn bộ bức tường nhà vệ sinh; đôi khi chỉ yêu cầu chống thấm chân tường. Sau đó silicon được bắn vào các góc tường theo chiều dọc và chiều ngang. Cần đảm bảo bắn keo silicon cẩn thận, không có khoảng trống còn sót lại ở các góc này.

Quét lớp chống thấm đầu tiên cho nhà vệ sinh

Bắt đầu quét lớp chống thấm từ các góc, nơi đã bắn silicon trước đó. Các góc tường là khu vực rất trọng yếu, thấm thường xảy ra ở những vị trí này. Khi bắt đầu quét lớp chống thấm ở các góc, bạn nên rà soát thêm một lần nữa, để đảm bảo các góc đã được bắn silicon đầy đủ 100%.

Sơn chống thấm cho tường & sàn nhà vệ sinh
Sơn chống thấm cho tường & sàn nhà vệ sinh

Tương tự như vậy, các vị trí đặt ống chờ cho các thiết bị vệ sinh cũng rất trọng yếu. Các vị trí này cần quét lớp chống thấm kỹ càng.

Sau khi quét chống thấm toàn bộ các vị trí trọng yếu thì tiếp tục quét phần còn lại của các bức tường và sàn nhà vệ sinh.

Quét lớp chống thấm thứ 2 cho nhà vệ sinh

Sau khi lớp chống thấm thứ nhất khô, thì quét lớp chống thấm thứ hai. Lần này cũng cần chú ý thao tác cẩn thận ở những vị trí góc, các mối nối, ống chờ. Lớp chống thấm thứ 2 này, bạn có thể sử dụng màu khác với lớp thứ 1, để đảm bảo không bị thiếu sót khu vực nào.

Chống thấm nhà vệ sinh lớp 2
Chống thấm nhà vệ sinh lớp 2

Trong một số trường hợp, người ta sử dụng màng chống thấm dạng tấm để gia cố cho các góc sàn và tường, mối nối và vị trí ống chờ. Các tấm này có thể đặt cùng với lớp màng chống thấm đầu tiên dạng lỏng.

Sau đó loại bỏ băng keo che các bức tường.

Chống thấm sàn nhà vệ sinh bằng vật liệu gốc xi măng

Một cách chống thấm cho sàn nhà vệ sinh phổ biến để ngăn chặn nước xả/rửa sàn là bằng vật liệu vữa xi măng.  Các chất phụ gia chống thấm được thêm vào vữa xi măng. Các chất phụ gia này có gốc polyme hoặc gốc xi măng, ở dạng bột hoặc dạng lỏng. Pha trộn phụ gia với xi măng theo tỷ lệ của nhà sản xuất đưa ra.

Trước khi cán lớp vữa xi măng chống thấm cần phải làm sạch bề mặt sàn; bằng cách loại bỏ các loại vật liệu lỏng lẻo, dọn sạch bụi bẩn…, và rửa bằng nước sạch.

Kiểm tra hiệu quả chống thấm sàn nhà vệ sinh

Làm sao để biết được chống thấm cho sàn nhà vệ sinh có hiệu quả không? Bạn cần có thao tác kiểm tra. Nhà vệ sinh được kiểm tra bằng cách ngâm nước đến độ sâu 2.5 cm trong 24h hoặc lâu hơn. Khi không xuất hiện rò rỉ hay xuất hiện các vết ẩm ướt thì việc chống thấm coi như đạt yêu cầu. Nếu có xuất hiện bất kỳ hiện tượng rò rỉ nào, thì bạn cần kiểm tra lại. Sau đó bạn tìm một biện pháp chống thấm khác phù hợp.

Xi măng chống thấm
Kiểm tra chống thấm nhà vệ sinh

Kết luận

Sử dụng phụ gia chống thấm khi đổ bê tông sàn cũng là một giải pháp tốt, vì nó chống thấm ngay từ đầu cho bản thân khối bê tông sàn. Tuy nhiên, dùng phụ gia chống thấm cho bê tông không thể thay thế các lớp màng chống thấm, mà là giải pháp bổ sung để tối đa hiệu quả chống thấm. Bạn có thể lựa chọn màng chống thấm dạng lỏng hay dạng tấm tùy mức độ chống thấm yêu cầu. Dù thực hiện kết hợp nhiều giải pháp chống thấm thì bạn cũng cần kiểm tra lại bằng cách ngâm nước sàn nhà vệ sinh. Bạn cần đảm bảo không có hiện tượng thấm hay rò rỉ sau 24 tiếng. Nếu ngay từ đầu bạn có thể thực hiện đầy đủ, cẩn thận các giải pháp chống thấm, thì sẽ hạn chế các tổn thất sau này.

Kết Nối Với Chúng Tôi Trên Mạng Xã Hội

Kết nối Tri Thức

Chúng tôi mong muốn chia sẻ kiến thức và kết nối tri thức Việt Nam và thế giới
Kết Nối Ngay

Bước Chuyển Nghề Nghiệp

Giải pháp làm việc và kinh doanh để thích ứng với thời đại khủng hoảng kinh tế.
Kết Nối Facebook